Ở xã hội hiện đại, chúng ta có lẽ đã quen thuộc với việc cắm mặt vào màn hình, từ TV, máy tính tới điện thoại, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi màn hình được gắn cách mắt bạn vỏn vẹn chỉ vài cm? Đây là câu hỏi được quan tâm khi nói về tác động của việc sử dụng các thiết bị thực tế ảo (VR) đến sức khỏe của mắt – một công nghệ mà người dùng sẽ đeo một cặp màn hình sát mắt để biến thế giới xung quanh thành những môi trường ảo với màu sắc sống động cũng như độ sáng cao. Vậy việc sử dụng những thiết bị này sẽ tác động như thế nào tới người dùng, đặc biệt là trẻ em? Hãy cùng VNXR tìm câu trả lời cho câu hỏi này, dựa trên bài Is VR Bad for Your Eyes? Here’s What Eye Doctors Say của Jessica Rendall từ CNET.
VR có ảnh hưởng tới thị lực?
Dựa trên quan điểm y học, khi nhìn vào màn hình TV, điện thoại, máy tính,…, chúng ta có thể gặp các triệu chứng mỏi mắt kỹ thuật số như khô mắt và đau đầu. Dù những triệu chứng này có thể khó chịu, nhưng điều này thường không gây hại lâu dài đến tầm nhìn. Ngay cả với ánh sáng xanh từ màn hình, tuy có thể có những tác động tức thời như khó ngủ, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy nó đủ gây hại cho mắt hay tầm nhìn.
Theo bác sĩ Robert Kinast, bác sĩ nhãn khoa và CEO của GentleDrop, tác động của màn hình trên kính VR lên mắt cũng tương tự. “Hai nguy cơ lớn nhất khi sử dụng VR là mỏi mắt và khô mắt. Dù có thể gây khó chịu, điều này thường không gây tổn thương cho mắt,” ông nói.
Do VR có tính chất nhập vai cao, não bộ người dùng dành phần lớn sự chú ý cho thế giới ảo xung quanh mình, và điều đó khiến não quên đi việc chớp mắt. Như khi chúng ta tập chung cao độ vào một thứ gì đó mắt chúng ta sẽ ít chớp hơn, điều này lại càng làm tăng khả năng khô mắt, theo bác sĩ Ranjodh S. Boparai, phẫu thuật viên nhãn khoa và CEO của CorneaCare. “Khi tập trung cao độ vào một thứ, bạn sẽ chớp mắt ít hơn,” Boparai chia sẻ.
Một nguyên nhân khác khiến chúng ta mỏi mắt khi sử dụng kính VR liên quan đến cách mắt chúng ta điều chỉnh tiêu cự để nhận biết độ sâu của các vật thể trong thế giới thực. Cấu trúc kính VR lại hoạt động khác biệt so với mắt người ở điểm này. Thông thường, kính VR được thiết kế với màn hình và hệ thống thấu kính phía trước (như thấu kính pancake trên Quest 3 hay Fresnel trên Quest 2) để chiếu hình ảnh từ màn hình ra một khoảng cách cố định, thường từ 1m đến 2m tùy vào thiết kế của nhà sản xuất. Nếu thiếu hệ thống thấu kính này, người dùng sẽ khó có thể lấy nét vào màn hình chỉ cách mắt vài cm.

Do tiêu cự trong kính VR là cố định, việc sử dụng kính VR trong thời gian dài, đặc biệt với người mới, có thể khiến não bộ cảm thấy “không tự nhiên” khi trở lại với thế giới thực. Một giải pháp tiềm năng cho vấn đề này là sử dụng màn hình holographic, cho phép hiển thị hình ảnh ở các độ sâu khác nhau thay vì duy trì một tiêu cự cố định.
VR có gây tăng nguy cơ cận thị ở trẻ em?
Cận thị, hay là tật mà người bị không có khả năng nhìn xa, là một vấn đề sức khỏe đang gia tăng mà một phần có thể phòng ngừa được. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tật cận thị, có thể đến từ việc trẻ em dành nhiều thời gian trong nhà, sử dụng máy tính, điện thoại hay di chuyền từ cha mẹ. Việc xác định mức độ tác động của các yếu tố này vào tỷ lệ cận thị gia tăng là rất khó khăn.
Hãy cùng tập trung trước hết vào tác động của công nghệ tới sức khoẻ mắt, theo bác sĩ Kinast, khi nhìn lâu vào các vật thể ở gần như điện thoại hay kính VR, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều tiết của mắt và cách mà mắt chúng ta phải điều chỉnh để làm quen. “Ở trẻ em, việc mắt tập trung vào những vật gần trong một thời gian dài có thể khiến não bộ chúng ta lầm tưởng các vật thể xung quanh ở gần hơn khoảng cách thực tế, và điều chỉnh mắt cho những khoảng cách “sai” này, gây cận thị nghiêm trọng,” bác sĩ Kinast giải thích. Nếu so sánh kính VR với điện thoại hay máy tính bảng, khi dùng kính VR, chả hạn như Meta Quest 2, khoảng cách từ mắt đến vật thể ảo hiển thị trên kính rơi vào khoảng 1,3m, xa hơn một chút so với khi sử dụng điện thoại hay máy tính (rơi vào khoảng 50cm), tuy vậy mức độ ảnh hưởng của các thiết bị này là tương đương nhau.
Tới đây, có lẽ bạn đang nghĩ rằng nguyên nhân chính của tật cận thị ở trẻ là do sự phát triển của công nghệ. Nhưng câu trả lời thì không đơn giản như vậy, ngoài việc sử dụng máy tính, điện thoại hay là kính VR, cận thị còn phụ thuộc vào yếu tố di truyền và việc giới trẻ ngày nay dành ít thời gian hoạt động ngoài trời hơn. Trẻ có cha mẹ với tật cận thị có tỉ lệ bị cận cao hơn những trẻ có cha mẹ với mắt bình thường. Và việc dành nhiều thời gian cho các hoạt động trong nhà có thể làm mắt trẻ “lười” nhìn xa.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, việc dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời cũng có một phần tác động giúp phòng ngừa suy giảm thị lực”. Theo Kinast, việc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời mang lại những tác động tốt cho sức khoẻ mắt. Ngay cả với trẻ có tật ở mắt di chuyền từ cha mẹ, chả hạn như cận thị, việc dành thời gian ngoài trời có thể giảm đi đáng kể những tác động di chuyền kể trên. Boparai giải thích rằng, việc hoạt động ngoài trời có thể tác động tích cực đến sức khoẻ mắt bằng cách: khi ở ngoài trời, chúng ta thường phải nhìn vào các vật thể ở xa, giúp mắt làm quen với các khoảng cách đó thay vì chỉ tập trung vào các vật thể ở gần như màn hình, và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng có thể có những tác động tích cực.
Hiện chưa có những nghiên cứu chuyên sâu về những ảnh hưởng của việc sử dụng kính VR lên thị lực của trẻ. Các bậc phụ huynh khi cho trẻ sử dụng kính VR cũng nên lưu ý như khi chúng xài các thiết bị điện tử có màn hình khác.
Làm sao để bảo vệ mắt?
Kính VR cũng như điện thoại hay máy tính, có thể có những ảnh hưởng tới thị lực của trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài. Khi sử dụng những thiết bị này, các bậc phụ huynh nên lưu ý điều tiết thời gian trẻ sử dụng và nên cho chúng ra ngoài, để mắt có thể làm quen với việc nhìn xa, gần.
“Touch grass” chính là một phương pháp hiệu quả, hãy chạm cỏ quá 5 phút mỗi ngày :)))

Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất giáo dục và tham khảo. Hãy luôn tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia.