Meta Orion: Cái nhìn về kính AR của tương lai

Tại sự kiện Connect 2024, Meta đã hé lộ bản thử nghiệm Orion, chiếc kính thực tế tăng cường (AR) mà họ đang phát triển, thu hút sự quan tâm từ cộng đồng công nghệ, phần lớn là những phản hồi tích cực. Meta Orion được cấu thành bởi nhiều công nghệ tiên tiến, trong đó nhiều thành phần được đánh giá là “state-of-the-art”, đỉnh nhất, trong lĩnh vực AR. Để phát triển sản phẩm này, Meta đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc.

10 năm, 100 tỷ đô và 10.000 đô la

10 năm là quãng thời gian kể từ khi Meta, khi còn là Facebook, mua lại Oculus để thành lập Reality Labs—bộ phận chuyên tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm AI và XR, với chi phí đầu tư hơn vào bộ phận này là hơn 100 tỷ đô la. Tại Reality Labs, nhiều bản mẫu kính thực tế ảo (VR), AR đã được nghiên cứu và phát triển, trong đó Orion là mẫu kính AR đầu tiên được Meta hé lộ.

Trên sân khấu Meta Connect 2024, Mark Zuckerberg, hay Zuck, chia sẻ, khi bắt đầu dự án này vào 2014, khả năng thành công của Orion rơi vào khoảng 10%, khi mà họ phải bắt đầu phát triển nhiều công nghệ từ con số 0. 10 năm trôi qua, Orion vẫn chưa đủ trưởng thành để được bán trên thị trường, nhưng cũng đã có những bước tiến đáng kể từ con số 10%. Thử thách trước mắt cho Meta Reality Labs và những công ty trên thị trường chính là phát triển công nghệ và giảm thiểu giá thành để phổ cập sản phẩm AR.

Giá thành sản xuất hiện đang là rào cản lớn, theo Andrew Bosworth (Boz), giá thành sản xuất mỗi chiếc kính Orion lên tới 10.000 đô la. Tuy nhiên, đây chỉ là con số tham khảo vì Meta chưa có kế hoạch bán ra sản phẩm này. Thậm chí, ngay cả Magic Leap 2—một thiết bị có cấu hình tương tự—đang gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng ở mức giá 3.300 đô la.

Với chi phí nghiên cứu khủng, không khó hiểu khi Orion là tập hợp của những công nghệ cao cấp nhất cho một chiếc kính AR, từ màn hình, chip xử lý cho tới hệ thống tương tác.

Waveguide và MicroLED

Nguồn ảnh: Meta

Waveguide, một thành phần quang học dùng để hiển thị hình ảnh trên nền trong suốt, là một trong những thách thức lớn nhất để phát triển kính AR. Thay vì sử dụng waveguide từ những công ty khác trên thị trường, Meta chọn con đường tự phát triển waveguide riêng cho những chiếc kính tương lai của mình. Với góc nhìn 70 độ, khá thấp so với kính VR, nhưng với AR thì đây là một con số hết sức ấn tượng, phần lớn waveguide của các kính AR đang được bán ra trên thị trường dừng ở mức 30 tới 50 độ, Magic Leap 2 là một ngoại lệ với 70 độ, nhưng kích thước cũng lớn hơn Orion kha khá. Light engine, hiểu nôm na là máy chiếu, trên Orion là MicroLED, công nghệ chiếu với độ sáng cao, cần thiết khi dùng ngoài trời, light engine của Orion có thể chiếu 3 kênh màu đỏ, xanh lá và xanh nước biển (RGB) trong khi phần lớn light engine MicroLED trên thị trường chỉ hiển thị được 2/3 hay chỉ 1/3 (thường là xanh lá).

Nguồn ảnh: The Verge

Nhược điểm của Meta Orion chính là độ phân giải còn thấp chỉ dừng lại ở 640×480, tương đương với 11 pixel mỗi độ (ppd), để đạt mức mắt người không phân biệt được, độ phân giải cần đạt tới 60ppd và có lẽ sẽ mất nhiều thời gian nữa để đạt được. Nếu nhìn vào video demo được phát hành bởi Meta và các báo công nghệ, có thể thấy rõ light glow trên waveguide của chiếc kính này, ở hình trên chính là những làn sáng màu khi nhìn từ ngoài vào, đây là dấu hiệu cho thấy waveguide của Orion vẫn chưa thực sự tối ưu, do đó ánh sáng từ bộ phận chiếu MicroLED tới mắt sẽ bị lãng phí nhiều.

Compute puck

Nguồn ảnh: Meta

Để xử lý các tác vụ AR, Meta Orion được trang bị tới 7 cameras, depth sensor, eye tracking sensor, để xử lý dữ liệu từ những cảm biến này đòi hỏi năng lực xử lý tương đương với một chiếc điện thoại cao cấp. Compute puck là giải pháp của Meta cho vấn đề này, thiết bị này sẽ kết nối không dây với chiếc kính Orion để xử lý các dữ liệu đầu ra và đầu vào của kính. Khác với battery puck của Apple Vision Pro, compute puck của Orion có vẻ sẽ không có dây nối để tiếp năng lượng cho kính AR. Để tối ưu hiệu năng, nhiều chip và cảm biến trên compute puck và kính AR được phát triển riêng bởi Meta.

Vòng đeo tay neural

Nguồn ảnh: Meta

Đây là kết quả từ thương vụ mua lại Ctrl-Labs, một startup phát triển vòng đeo tay theo dõi tín hiệu từ hoạt động cơ bắp của người dùng. Đã nhiều lần được Meta tiết lộ trong những demo trước đây. Chiếc vòng tay này có những cảm biến electromyogram (EMG) để nhận tín hiệu từ các cơ trên cổ tay của người dùng và xử lý những tín hiệu đó bằng machine learning để dự đoán hand pose. Trong demo từ Meta, chiếc vòng tay này phần lớn được dùng để nhận và xử lý các tín hiệu microgestures (cử chỉ nhỏ) từ người dùng như lướt hay tap trên tay. Dưới đây là một demo từ 6 năm trước từ Ctrl-Labs.

Các sản phẩm tương tự

Trên thị trường có không ít những chiếc kính AR, đặc biệt từ các công ty Trung Quốc, nhưng chỉ có một số ít có thông số tương đồng với Meta Orion, mà nổi bật nhất chính là Magic Leap 2 và Snap Spectacles 5.

Magic Leap 2

Là chiếc AR headset với waveguide có góc nhìn rộng nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại, với FOV đạt mức 70 độ, tương đồng với Meta Orion. Xét theo độ phân giải và màu sắc, Magic Leap có thông số cao hơn Orion, nhưng điều này cũng khiến Magic Leap lớn hơn kha khá so với chiếc kính AR từ Meta. Đây cũng là một trong những thiết bị tiên phong trong việc sử dụng compute puck để giảm thiểu trọng lượng của kính, giúp nó trở nên thoải mái hơn khi dùng trong một thời gian dài. Giá khởi điểm của Magic Leap 2 là từ 3.300 đô la, tương đương với HoloLens 2 từ Microsoft. Tiếc thay Magic Leap 2 không mấy thành công, một phần khiến Magic Leap thay đổi kế hoạch kinh doanh từ bán phần cứng sang phát triển và nhượng quyền công nghệ.

Snap Spectacles 5

Đây là thế hệ thứ 5 của Spectacles, dải sản phẩm kính thông minh từ công ty mạng xã hội Snap. Khác biệt lớn nhất giữa Snap Spectacles và Meta Orion chính là, nếu là nhà phát triển và sẵn sàng chi 99 đô la một tháng thì bạn có thể sở hữu chiếc kính AR này. Xét theo cấu hình Snap Spectacles có vẻ kém cạnh so với Meta Orion, với góc nhìn dừng lại ở mức 35 độ, và thời lượng pin chỉ vỏn vẹn 45 phút theo Snap. Điều này có thể giải thích bởi việc Snap chọn hướng đi khác với Meta, thay vì giải pháp compute puck, tất cả chip xử lý và cảm biến tương tác được đặt ngay trên chiếc kính, khiến nó có phần nặng nề hơn và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.

Kết luận

Vẫn cần một thời gian dài nữa để cho kính AR được phổ cập, Meta Orion đã cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về tầm nhìn của Meta về sự phổ cập của công nghệ này. Cuộc đua AR không chỉ Meta, Apple, Samsung và Google cũng đang tập trung nghiên cứu để tìm ra những giải pháp làm kính AR mỏng nhẹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top