Chiều ngày 30/9 ở Hà Nội, trong cuộc gặp với thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu của Meta, đã chia sẻ với thủ tướng về kế hoạch sản xuất mẫu headset Meta Quest 3 tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2025. Theo dự kiến, hoạt động này sẽ tạo thêm 1,000 việc làm tại Việt Nam, đây là cơ hội tốt để mở rộng chuỗi cung ứng cho ngành XR tại Việt Nam.
Trước mắt, dây truyền sản xuất tại Việt Nam sẽ tập trung vào việc sản xuất headset Meta Quest 3s, mẫu headset được mong đợi sẽ nối tiếp thành công của Meta Quest 2 đã hơn 4 năm tuổi. Theo ước tính từ The Verge, có khoảng 20 triệu Meta Quest 2 đã được bán ra kể từ khi ra mắt, với sự mở rộng của thị trường, hoàn toàn có thể mong đợi Meta Quest 3s sẽ vượt qua người tiền nhiệm của nó về doanh số, và nếu được sản xuất tại Việt Nam đây sẽ là cơ hội lớn để phát triển các công ty cung ứng linh kiện cho mẫu headset này cũng như những sản phẩm của Meta trong tương lai.
Đây không phải lần đầu tiên, một sản phẩm XR được lên kế hoạch sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, vào tháng 1/2024, Goertek cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 280 triệu đô la để xây dựng dây chuyền sản xuất dòng sản phẩm Vision Pro, các headsets thế hệ sau và các sản phẩm điện tử khác từ Apple.
Tương lai và những thách thức

Tại Connect 2024, sự kiện thường niên của Meta để trình diễn công nghệ, Meta đã giới thiệu Orion, mẫu kính AR hiện đại nhất và cũng là bản xem trước về dòng sản phẩm kính AR mà Meta sẽ đưa ra thị trường trong tương lai. Cũng tại sự kiện này Mark Zuckerberg (Zuck) đã đưa ra dự đoán về việc kính thông minh sẽ thay thế điện thoại trước năm 2030. Nếu những gì Zuck dự đoán trở thành sự thật, hàng trăm triệu kính thông minh hay AR sẽ cần được sản xuất, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn quá sớm để thấy được sự khả thi của dự đoán này, nhưng ít nhất chúng ta có thể thấy được tầm nhìn của Meta cho các sản phẩm kính thông minh, kính AR hay headset XR.
Nhưng sản xuất một chiếc kính AR như Meta Orion không hề đơn giản, đây là thiết bị có độ phức tạp cao, nhiều linh kiện trong mẫu kính này thậm chí chưa có dây truyền sản xuất rộng rãi, chả hạn như holographic waveguide hay màn hình microLED. Những linh kiện cho các sản phẩm XR cao cấp như kính AR đòi hỏi dây chuyền sản xuất chính xác cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành photonics, chip xử lý, tự động hoá… Đây là thách thức cho ngay cả những công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh. Việc sản xuất mẫu sản phẩm đơn giản hơn như Quest 3s sẽ mở ra cơ hội phát triển chuỗi cung ứng XR tại Việt Nam từ những bước cơ bản nhất, dựa vào đó để đón đầu làn sóng phổ cập công nghệ XR trong tương lai.