Gorilla Tag: bài học nào cho XR developers từ tựa game 100 triệu đô la

Gorilla Tag, một trò chơi xã hội trong VR, phát hành bởi Another Axiom, nơi mà người chơi sẽ hoá thân thành một chú khỉ đột leo trèo lên các chướng ngại vật. Cách vận động cơ thể mới lạ, tương tác xã hội độc đáo được cho là những yếu tố đằng sau sự thành công của tựa games này.

Another Axiom: đội nhỏ, thành công lớn

Chỉ vỏn vẹn với 55 kỹ sư, nhưng với Gorilla Tag, Another Axiom đã đạt được thành công hơn nhiều tựa games VR phát triển bởi các studio tên tuổi. Theo chia sẻ trên trang web của mình, hiện có hơn 1 triệu người chơi mỗi ngày, 3 triệu người chơi mỗi tháng và thu về tổng cộng hơn 100 triệu đô la doanh thu và vẫn đang trên đà tăng trưởng. Cho một game VR thì đây là những con số hết sức ấn tượng.

Doanh thu của Gorilla Tag kể từ khi phát hành, đáng chú ý lần nhảy vọt vào tháng 1/2023 (Nguồn: RoadToVR).
Lượng người chơi trực tuyến mỗi ngày và mỗi tháng của Gorilla Tag đạt trên 3 triệu người (Nguồn: RoadToVR).

Được phát hành miễn phí trên phần lớn các nền tảng VR phổ biến, ngoại trừ SteamVR đang bán với giá 19,99 đô la, doanh thu chính của Gorilla Tag đến từ việc mua hàng trong ứng dụng (in-app purchases), nơi mà người chơi có thể mua phụ kiện để thay đổi vẻ bề ngoài của chú khỉ đột mà mình chơi. Meta Quest chính là nền tảng mang lại doanh thu chính cho tựa game này, không mấy bất ngờ khi đây là nền tảng VR lớn nhất.

Mất 3 năm để Gorilla Tag đi từ 0 tới 100 triệu đô la, với giai đoạn bùng nổ doanh số vào tháng 1/2023. Có thể kể tới 2 yếu tố dẫn đến lần bùng nổ doanh số này: thứ nhất đây chính là khoảng thời gian mà Gorilla Tag được chính thức phát hành trên Meta Quest Store, nền tảng VR lớn nhất với hơn 30 triệu người dùng, việc phát hành trên Quest Store giúp tựa game này được chú ý hơn bơi người dùng headset. Tiếp nữa, đây là quãng thời gian mà những chiếc VR headset (phần lớn là Meta Quest) được mua làm quà tặng, kèm với việc được phát hành chính thức trên Quest Store giúp Gorilla Tag tiếp cận người dùng dễ dàng hơn.

Đáng chú ý, trước khi phát hành trên Meta Quest Store, Gorilla Tag được phát hành trên Meta App Lab, cửa hàng phụ của Meta Quest Store, hiện đã được hợp nhất thành Horizon Store.

Trải nghiệm quan trọng hơn đồ hoạ

Đồ hoạ không phải điểm mạnh của Gorilla Tag, thay vào đó là những trải nghiệm/lối chơi mới lạ chính là điểm ăn khách của tựa game này. Cách di chuyển thú vị là một ví dụ điển hình, như một chú khỉ đột, bạn sẽ cần dùng tới tay của mình bám lấy các vật thể xung quanh để di chuyển hay leo trèo, và khác một chú khỉ đột bạn chỉ được dùng tay để di chuyển. Đây là một giải pháp hay để di chuyển trong VR vì phần lớn headset không có khả năng theo dõi chuyển động của chân người dùng. Và Gorilla Tag được phát triển xoay quanh cách di chuyển này.

Một điểm nữa khiến Gorilla Tag thành công chính là người chơi có thể thoả sức sáng tạo trong các thế giới ảo của Gorilla Tag. Không khó để thấy người chơi Gorilla Tag xây dựng những công trình hay món đồ kỳ lạ trong các thế giới ảo của game, đây chính là mỏ vàng cho các nhà sáng tạo nội dung khiến tựa game ngày càng được lan toả.

Kết nối người chơi cũng là một điểm mạnh của Gorilla Tag, như các thế giới ảo khác như VRChat hay RecRoom, người chơi có thể dễ dàng giao tiếp với nhau bằng lời nói, kèm với lối chơi đồng đội, Gorilla Tag khuyến khích người dùng tương tác với nhau, tuy rằng đôi lúc nghe tiếng trẻ con hú hét thì cũng hơi nhức đầu😑. Lần đầu ra mắt vào thời điểm dịch covid-19 hoành hành, khi mọi người phải ở nhà cách ly, Gorilla Tag đã nổi lên như một giải pháp để chơi bời với bạn bè trong thế giới ảo, đặc biệt đối với trẻ em.

Một bạn trẻ chơi Gorilla Tag và chia sẻ clip mình leo trèo tìm một đường hầm bí mật đạt hơn 1 triệu lượt xem trên Youtube.

Giới trẻ chịu chơi VR hơn

Nếu đã từng trải nghiệm Gorilla Tag, hẳn bạn sẽ để ý phần lớn người chơi là trẻ em. Tập trung vào thị trường Mỹ, nơi mà ở các đô thị, các sân chơi ngoài trời không phải lúc nào cũng sẵn có hay an toàn, thì Gorilla Tag chính là giải pháp cho các bạn trẻ vận động và kết nối bạn bè ngay từ trong nhà. Đây không phải điều lạ lẫm trong các thế giới ảo như VRChat hay RecRoom, nơi mà trẻ em góp phần không nhỏ vào lượng người dùng trực tuyến.

Theo chia sẻ của Another Axiom, thời gian trung bình mỗi lần chơi của Gorilla Tag vào khoảng 60 phút, quãng thời gian này với các trải nghiệm VR có thể xem là tương đối dài và không có quá nhiều game có thời lượng trung bình mỗi ngày nhiều hơn. Có lẽ trẻ em dễ dàng tiếp cận công nghệ XR hơn là người lớn, nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em ít bị ảnh hưởng của motion sickness hơn người lớn mặc dù vận động nhiều hơn, đây có thể xem là lý do chính khiến thời lượng chơi trung bình của các game/trải nghiệm VR cho trẻ em cao hơn người lớn.

Đồ hoạ đơn giản, cách chơi sáng tạo, tập chung vào người chơi trẻ tuổi, chả phải đây chính là những điều khiến Minecraft thành công? Những trải nghiệm như Gorilla Tag chính là điều sẽ khiến phổ cập công nghệ XR, đặc biệt trong giới trẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back To Top